Theo Bộ Công nghiệp Indonesia, iphone 16 chưa được phép bán chính thức trong nước. Tuy nhiên, những ai mang iphone 16 vào lãnh thổ Indonesia vẫn có thể giữ lại để sử dụng cá nhân, với điều kiện không được thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán nào trong nước.
Phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp, ông Febri Hendri Antoni Arif, cho biết các thiết bị iPhone 16 nhập qua hành lý cá nhân của du khách hoặc qua dịch vụ vận chuyển nhanh vẫn có thể thông quan, nhưng chỉ giới hạn cho nhu cầu cá nhân. Ông cũng giải thích rằng iPhone 16 nằm trong nhóm thiết bị bưu chính viễn thông, được phép nhập khẩu thông qua cơ quan Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt của Indonesia.
Theo ước tính của cơ quan này, có khoảng 9.000 chiếc iPhone 16 đã được mang vào Indonesia qua hành lý cá nhân và hoàn thành nghĩa vụ thuế. Dù vậy, nếu những thiết bị này bị phát hiện trong các hoạt động thương mại, chúng sẽ bị coi là bất hợp pháp.
Đối với người dân Indonesia, họ cũng có quyền mua iPhone 16 từ nước ngoài và mang về nước, nhưng cần thực hiện đăng ký IMEI và đóng thuế. Tuy nhiên, họ không được phép bán lại thiết bị cho người khác. Các thiết bị nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại sẽ không phải tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật hay yêu cầu nội địa hóa (TKDN). Theo quy định, các thiết bị phải có ít nhất 40% linh kiện và lao động địa phương để đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa này.
Lý do chính dẫn đến việc cấm bán iPhone 16 tại Indonesia là vì Apple chưa hoàn thành các cam kết về đầu tư nội địa hóa theo yêu cầu. Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết, Apple đã cam kết đầu tư 110 triệu USD (1,71 nghìn tỷ Rupiah), nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành khoảng 95 triệu USD (1,48 nghìn tỷ Rupiah), vẫn còn thiếu khoảng 14 triệu USD để đáp ứng tiêu chuẩn nội địa hóa và nhận được chứng nhận TKDN.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng mặc dù trước đây Apple từng đáp ứng các yêu cầu và nhận chứng nhận TKDN, nhưng chứng nhận này đã hết hạn, đòi hỏi Apple phải bổ sung phần cam kết đầu tư còn thiếu để được cấp phép lại.
Do chưa đạt đủ tỷ lệ nội địa hóa, iPhone 16 chưa được cấp chứng nhận IMEI tại Indonesia. Nếu phát hiện một chiếc iPhone 16 hoạt động mà chưa đăng ký IMEI hợp lệ, thiết bị sẽ bị coi là vi phạm pháp luật, và chủ sở hữu có thể bị xử phạt.
Quyết định của chính phủ Indonesia đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận ủng hộ, cho rằng chính sách này sẽ góp phần bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp nội địa. “Apple cần tuân thủ quy định tại Indonesia nếu muốn tiếp tục kinh doanh, nếu không sẽ bị cấm,” một người dùng có tài khoản @anasanarsas797 bình luận trên video của CNBC Indonesia. Một ý kiến khác từ @ahmadzacky9724 nhấn mạnh: “Luật cần chặt chẽ hơn để ngăn chặn các sản phẩm nước ngoài tràn vào dễ dàng.”
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng Apple nên tập trung vào các quốc gia có thủ tục đơn giản hơn. Một số người tiêu dùng Indonesia chia sẻ rằng họ hoàn toàn có thể mua iPhone ở các quốc gia láng giềng như Singapore hay Malaysia, không phải lo ngại về các thủ tục nội địa.
“Apple không thiệt thòi gì nếu không đầu tư ở Indonesia,” một bình luận khác nhấn mạnh, “Lợi nhuận sẽ chảy về Apple Singapore.”
https://www.saostar.vn/cong-nghe/indonesia-ngan-chan-i-phone-16-khach-du-lich-mang-theo-lieu-co-bi-thu-202410301636039363.html