(Thanh tra) – Phát huy những giá trị được thiên nhiên ưu ái dành cho việc phát triển Du lịch, ngoài những điểm đến nổi tiếng về hang động như hang Sơn Đoòng, động Thiên Đường, động Phong Nha… thì Quảng Bình đã có thêm những điểm du lịch mới nhằm thu hút du khách, xoá bỏ chu kỳ “nghỉ Đông” của ngành Du lịch.
Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang. Ảnh: SDL
Có thể khẳng định rằng, việc đưa vào hoạt động đối với khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang (Bang Onsen Spa & Resort) ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình cho thấy những tiềm năng phát triển du lịch đã được hiện thực hoá, tạo nên sự đa dạng về sản phẩm du lịch ở tỉnh Quảng Bình.
Suối nước khoáng Bang thuộc khu vực xã Kim Thủy (Lệ Thủy – Quảng Bình) được đánh giá là 1 trong 7 suối nước nóng nổi tiếng ở Việt Nam và là “Suối khoáng nóng có độ sôi cao nhất Việt Nam”.
Theo khảo sát của các nhà khoa học, suối khoáng Bang Quảng Bình khá đặc biệt khi toàn khu vực có khoảng 200 lỗ phun lớn, nhỏ với lượng nước ổn định. Nhiệt độ khoảng 105 độ C và trong nguồn nước, lượng chất rắn hòa tan 550 – 570 mg/lít, độ pH của nước khoáng nguồn khoảng 8,5 – 8,7… và đây là loại nước khoáng chứa nhiều Natri bicacbonat sẽ thích hợp cho việc tắm, thư giãn, chữa các bệnh ngoài da, thần kinh, xương khớp …
Cách các lỗ phun khoảng 300m, suối nước nóng hòa cùng suối lạnh để cho ra nhiệt độ dòng nước khoảng 40 độ C, rất thích hợp tắm và ngâm mình thư giãn, là bãi tắm nước nóng tự nhiên.
Khách có thể ngâm, tắm, bơi lội thỏa thích trong nguồn khoáng quý, vừa thư giãn trong nguồn suối nóng của thiên nhiên lộ thiên; trải dài bên những cánh rừng. Màu xanh của rừng núi hòa với làn khói bốc lên từ các hố nước nóng tạo thành một khung cảnh thực thực hư hư, huyền ảo nên thơ sẽ là một trải nghiệm, nghỉ dưỡng tuyệt vời.
Khu nghỉ dưỡng Bang Onsen Spa &Resort đi vào hoạt động hơn 1 năm qua, đã tạo nên một điểm nhấn du lịch mùa Đông, góp phần thay đổi tích cực về diện mạo cho du lịch Quảng Bình.
Không dừng lại ở điều kiện tự nhiên, khu vực phía Nam tỉnh Quảng Bình còn là nơi hội tụ, kết nối nhiều điểm đến du lịch văn hóa – lịch sử xung quanh, tạo thành chuỗi liên kết hiệu quả, như: Núi Thần Đinh, sông Kiến Giang, chùa Hoằng Phúc, Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đáng chú ý, không gian văn hóa của người Bru-Vân Kiều cũng sẽ được bảo tồn và phát huy hiệu quả thông qua chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc.
Sự phát triển du lịch ở phía Tây Nam của tỉnh vào mùa Đông không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Bình mà quan trọng hơn cả, đã giúp ngành Du lịch khắc phục được chu kỳ nghỉ Đông.
https://thanhtra.com.vn/diem-den-9B8F44BB1/quang-binh-tung-buoc-khac-phuc-chu-ky-nghi-dong-cua-nganh-du-lich-4a56ff0b0.html