Ngày 8/1, lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, các nhà khoa học Việt Nam vừa phát hiện, thu thập được một loài động vật mới tại hố sụt 1, hang Sơn Đoòng.
Động vật mới phát hiện thuộc loài ốc, giống Calybium, họ Helicinidae, bộ Cycloneritida, lớp Gastropoda, giới Animalia, được nhóm nghiên cứu đề xuất đặt tên là ốc nón Sơn Đoòng.
Loài ốc mới được mô tả trong đề tài “Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững”, do PGS.TS Vũ Văn Liên, Phó tổng giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, làm chủ nhiệm.
Hiện nay, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng ghi nhận 2.954 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành. Trong đó 111 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài trong Sách đỏ thế giới.
Về động vật, ghi nhận 1.399 loài thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 116 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới.
Hang Sơn Đoòng nằm giữa núi rừng Phong Nha – Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Bình, được phát hiện lần đầu bởi một người dân địa phương vào năm 1990.
Năm 2009, Sơn Đoòng được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh khám phá và công bố là hang động lớn nhất hành tinh. Kể từ khi được công bố, hang Sơn Đoòng gây chấn động thế giới với kích thước khổng lồ đến khó tin và những kiến tạo hang động độc đáo không nơi nào có được.
Năm 2014, tỉnh Quảng Bình cho phép đưa vào khai thác Du lịch hang Sơn Đoòng, với số lượng người không quá 1.000 khách mỗi năm.
Sau một thập kỷ mở cửa cho du khách, hang động lớn nhất thế giới đã chào đón hơn 7.500 người. Đáng chú ý, có khoảng 20 người đã chinh phục hang động này 2-8 lần.
https://dantri.com.vn/xa-hoi/phat-hien-moi-cua-cac-nha-khoa-hoc-trong-hang-dong-lon-nhat-hanh-tinh-20250108141725248.htm