Diễn đàn xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch Quảng Trị đã quy tụ hàng chục doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực này. Tất cả tập trung thảo luận một vấn đề then chốt: Làm sao để du lịch Quảng Trị vượt ra khỏi lối mòn xưa cũ.
Những nguyên nhân vĩ mô thường rất dễ thuyết phục người nghe đồng tình với sự khó khăn và quên lãng điều nhỏ nhặt. Khi mổ xẻ tiểu tiết mới thấy “bức tranh chung” còn quá nhiều vấn đề bất cập, nhưng không phải không có giải pháp. Ông Phạm Công Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Trị, đã đặt ra rất nhiều nan đề như vậy!
Ông Vinh cho rằng: Cần đánh giá lại nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch của địa phương, xem như vậy có đạt hay chưa? Hiện nay nhân sự phục vụ tại các điểm đến còn mang nặng “tư duy hành chính” mà thiếu vắng “phong cách làm kinh tế du lịch”.
Nên chăng, nhà nước hãy chia sẻ nhiệm vụ này cho doanh nghiệp? Họ sẽ đầu tư đào tạo nhân lực theo quy cách phục vụ khách hàng, áp dụng quy trình quản lý, khai thác hiệu quả hơn.
Vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch dẫn chứng trải nghiệm của bản thân: nhiều lần đến với di tích Thành cổ Quảng Trị, vì vậy những lần sau, dù chưa đến vẫn biết “quy trình tham quan, giới thiệu, thuyết minh, quảng bá,…” đều tuần tự một bài như thế! Du khách đã đến một lần không còn cảm hứng quay lại.
Bài toán đặt ra là: Cần một cơ chế làm việc như thế nào để kích thích các đơn vị quản lý các điểm đến làm việc sáng tạo hơn, chủ động hơn để tạo ra nhiều nét mới cho sản phẩm của mình tránh gây nhàm chán cho du khách không muốn quay lại.
Chứng minh cho thực trạng “lão hóa sản phẩm du lịch”, ông Lê Minh Tuấn, giảng viên Trường Du lịch – Đại học Huế đã so sánh hình ảnh nhận diện thương hiệu du lịch của Thái Lan với Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.
Rõ ràng, chúng ta đã nhận thấy mình chậm thay đổi. Cách quảng bá du lịch của người Thái luôn được làm mới. Nhưng đã hơn chục năm nay “dữ liệu nhân diện” về du lịch địa phương vẫn chừng đó hình ảnh. Đó là chưa bàn đến phong cách, phương pháp, nghệ thuật lôi cuốn du khách.
Chính vì vậy, ông Tuấn khuyến nghị Quảng Trị “tái định vị hình ảnh điểm đến”- nghĩa là điều chỉnh và làm mới hình ảnh của một địa phương hoặc quốc gia để phù hợp với nhu cầu, xu hướng, và kỳ vọng mới của thị trường mục tiêu.
Quảng Trị sở hữu sản phẩm du lịch DMZ rất độc đáo, trên thế giới, bên cạnh nước ta chỉ có ở Hàn Quốc. Nhưng ông Lê Minh Tuấn đặt ra câu chuyện rất thực tế, rằng: “phân khúc này có độ tuổi trung bình cao, hạn chế về khả năng di chuyển và thường không có xu hướng quay lại nhiều lần”.
Đồng tình quan điểm trên, Giám đốc Công ty Du lịch Cửu Long Quảng Trị, cho rằng: “Du khách có thể tìm đến Quảng Trị để tham quan các di tích lịch sử, nhưng họ cũng muốn tìm kiếm các trải nghiệm khác biệt như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm hay du lịch sinh thái”
Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi trong chiến lược sản phẩm để không chỉ thu hút thêm đối tượng khách mới mà còn giảm sự phụ thuộc vào nhóm khách cũ. Đây là bài toán vĩ mô rất cấp bách được lẫy ra từ câu chuyện vi mô.
Vậy, Quảng Trị lấy gì để lấp vào khoảng trống sản phẩm du lịch? Du lịch sự kiện văn hóa; du lịch cắm trại; du lịch cộng đồng; du lịch chữa lành; du lịch chữa lành tinh thần qua câu chuyện quá khứ; du lịch theo dấu phim ảnh, du lịch mạo hiểm,…
Một trong những sản phẩm du lịch mới nổi tại Quảng Trị là mô hình farmstay, homestay ở phía Tây đã thu hút hàng trăm nghìn du khách các dịp lễ, Tết. Chỉ trong 10 ngày Tết Giáp Thìn 2024, có hơn 100.000 khách du lịch sử dụng dịch vụ tại các homestay, farmstay trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Nếu cần một so sánh, có thể thấy cùng thời điểm, trung tâm du lịch trứ danh như thành phố Huế cũng chỉ thu hút được chừng ấy du khách. Nhưng mô hình này bị vướng cơ chế quản lý do chưa nằm trong khu vực quy hoạch phát triển du lịch.
Thêm một sản phẩm du lịch đặc biệt, du lịch cà phê, với vùng trồng cà phê Arabica Khe Sanh cho ra loại hạt ngon nhất thế giới. Đây là sản phẩm mới mà Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị rất nhiệt thành giới thiệu với truyền thông, báo chí ngay tại diễn đàn.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, đại diện Công ty Green Travel Việt mong muốn liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa 5 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam tập trung trên các lĩnh vực: hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, công tác quản lý nhà nước, chia sẻ các đánh giá xác định thị trường trọng điểm, xây dựng sản phẩm đặc thù,…
Tỉnh Quảng Trị xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”- trên cơ sở quyết tâm chính trị này, ông Phạm Công Vinh chốt lại vấn đề một cách súc tích “phải mài sắc mũi nhọn mới có thể “đâm thủng” những ngành khác”.
https://diendandoanhnghiep.vn/mai-sac-mui-nhon-du-lich-quang-tri-10147930.html