Tôi đã ngủ trong hang động lớn nhất thế giới, được phát hiện tình cờ vào năm 1990 và lớn đến mức nó có rừng rậm, dòng sông và thời tiết khác biệt ở bên trong…, thậm chí có thể chứa một tòa nhà chọc trời 60 tầng.
Chỉ 1.000 du khách hàng năm được phép vào hang theo nhóm 10 người, với hành trình 6 ngày. Khi mặt trời lặn dưới đường chân trời, chúng tôi dựng lều trên dải cát trong hang. Kéo khóa cửa lều, tôi nằm trên túi ngủ và nhìn ra khung cảnh tráng lệ xung quanh.
Địa điểm này ở Việt Nam là một dải cát không giống nơi nào khác vì nó nằm sâu trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, bên trong có hang động khổng lồ Sơn Đoòng.
Khám phá bên trong, có cảm giác như bạn đang lang thang trong lòng Trái đất.
Hang động đã được Việt Nam và Kỷ lục Guinness Thế giới xác nhận lớn nhất thế giới, vào năm 2012 với tuyên bố cao 200m, rộng 150m và dài “ít nhất” 6,5 km.
Vào thời điểm hồ sơ được công nhận, tổ chức này cho rằng, hang Sơn Đoòng có thể còn lớn hơn nữa vì chưa được khảo sát đầy đủ.
Điều đáng chú ý là Sơn Đoòng bị “giấu kín” hàng triệu năm trước khi được phát hiện một cách tình cờ vào năm 1990. Hướng dẫn viên của tôi kể rằng, một người đàn ông địa phương tên là Hồ Khanh đã tình cờ phát hiện ra kỳ quan dưới lòng đất khi đang tìm nơi trú ẩn trước một cơn bão.
Đó là chuyến đi tìm trầm hương và ông tình cờ gặp một lối vào hang bên dưới vách đá, nhưng khi đến gần hơn, ông thấy sương mù thổi ra cùng với âm thanh của dòng sông gầm rú bên trong.
Gần hai thập kỷ sau, vị trí của hang Sơn Đoòng đã được chia sẻ với các chuyên gia hang động và các chuyến tham quan thí điểm đầu tiên được tổ chức vào năm 2013, sau đó là sự ra mắt chính thức của các chương trình khám phá dành cho du khách.
Đó là khu cắm trại siêu thực nhất mà tôi từng gặp. Khi nhìn ra khỏi lều, tôi hít một hơi thật dài lúc mặt trời tỏa ánh sáng mê hoặc khắp hang động. Tiếng nước nhỏ giọt xa xa như bài hát ru êm dịu khi tôi nằm nghỉ trong đêm, được bao bọc bởi những bức tường đá vôi khổng lồ bao quanh.
Trong buổi sáng mù sương, những tia nắng đầu tiên xuyên qua cửa hang khiến chúng ta liên tưởng đến khu rừng rậm phía trên. Đến bây giờ, tôi đã biết rõ điều đó sau chuyến đi kéo dài hai ngày để đến được đây với những kỹ năng leo đá, leo dây và thang.
Chuyến đi bắt đầu bằng việc một chiếc xe buýt nhỏ thả chúng tôi lúc 9 giờ sáng trên đỉnh thung lũng và sau đó đi vào rừng rậm. Nước thấm qua ủng khi chúng tôi lội qua sông suối cạn. Nhưng chúng mang lại sự bám chắc cần thiết cho chuyến leo dốc đến địa điểm cắm trại đầu tiên tại hang Én – hang đầu tiên trong số hai hang động trong chuyến thám hiểm này.
Theo Oxaxlis Adventures, đây là hang động lớn thứ ba trên thế giới, với trần hang đạt tới điểm cao nhất 145m và phần rộng nhất của lối đi lên tới 200m. Quy mô tuyệt đối của nó rất ấn tượng, với bầu không khí quang phổ. Âm thanh duy nhất – tiếng ríu rít của chim én, có thể nghe nhưng không nhìn thấy được.
“Hang động này được đặt theo tên của các loài chim. Chúng làm tổ ở đây”, hướng dẫn viên nói.
Có thời gian để bơi nhanh trên sông trong khi những người khuân vác của chúng tôi sắp xếp nhà bếp và các đầu bếp chuẩn bị một số món ăn cho bữa tối.
Sau đó, chúng tôi nạp năng lượng cho ngày hôm sau, bao gồm việc đi bộ xuyên hang, lội qua sông và leo dốc.
Tôi nhận ra rằng, Sơn Đoòng đã ẩn náu rất lâu cho đến khi chúng tôi đến được lối vào và đi xuống độ sâu 80m dưới lòng đất bằng dây thừng. Lối đi khổng lồ trong hang từ từ xuất hiện khi chúng tôi hạ người xuống và nhiệt độ ngay lập tức giảm mạnh.
Sau rất nhiều lần leo trèo, chúng tôi đến địa điểm cắm trại tiếp theo – lần này là trong hang hùng vĩ Sơn Đoòng. Đó là khoảnh khắc mà tất cả chúng tôi đã chờ đợi và có cảm giác như chúng tôi đang bước vào một thế giới khác. Hang đá cao đến mức khiến bạn không nói nên lời. Ánh sáng xuyên qua cửa vào “căn phòng”, làm nổi bật những tán lá xanh tươi phía xa. Nhưng nó không đủ để sưởi ấm lớp cát trên mặt đất lạnh lẽo giữa các ngón chân của chúng tôi.
Trong khung cảnh hoang vắng này, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy nhà vệ sinh và lều thay đồ đã được dựng lên, khiến cho đêm của chúng tôi trở nên thoải mái nhất và tôi mong được có một giấc ngủ ngon trong cái “kén” tối tăm này.
Khởi hành vào ngày hôm sau, chúng tôi leo lên những bức tường dốc của hang động và luồn lách qua những khoảng trống nhỏ để đến được khu rừng bên trong. Không khí tĩnh lặng, lạnh lẽo mang đến sự trong lành không nơi nào có được và những tia sáng yếu ớt được trân trọng trong bóng tối, thứ mà chúng tôi chia sẻ với dơi, nhện, cá và bọ cạp.
Tuy nhiên, cái nhìn thoáng qua duy nhất mà tôi thấy về những cư dân trong hang động này là bóng của những con dơi khi chúng lao xuống từ trần hang vào lúc hoàng hôn hoặc bị quấy rầy bởi ánh sáng từ những ngọn đuốc trên đầu.
Khi chúng tôi ra khỏi hang, tôi ngắm mặt trời lặn xuống dưới đường chân trời một lần nữa và lần này nó ở trong tầm nhìn toàn cảnh. Sau nhiều ngày dưới lòng đất, đó là một khoảnh khắc đẹp – nhưng tôi sẽ đánh đổi nó để lấy một đêm tối khác nếu điều đó đồng nghĩa với việc quay trở lại Sơn Đoòng.
https://thanhnien.vn/khach-anh-ke-trai-nghiem-ngu-dem-trong-hang-lon-nhat-the-gioi-o-viet-nam-185240815112713959.htm