Tại TP. Đồng Hới, các điểm văn hoá, giải trí ngày đầu năm mới thu hút đông người dân và du khách đến trải nghiệm, chụp hình lưu niệm và cầu chúc bình an.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, dù thời tiết khá lạnh nhưng rất đông người dân tới Quảng trường Hồ Chí Minh để chụp những bức hình lưu niệm và chiêm ngưỡng các công trình trang trí tại quảng trường.
Anh Đinh Xuân Hoan (32 tuổi, Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết: “Thời tiết năm nay se lạnh rất phù hợp để các gia đình đi chúc xuân và không khí xuân tràn ngập muôn nơi. Gia đình tôi vào sớm thăm và tưởng nhớ đến vị cha già dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Hồ Chí Minh trong dịp cả đất nước vào xuân, sau đó chúng tôi sẽ đi chúc Tết họ hàng, bà con ở gần đây”.
Ngoài ra, theo nét văn hoá truyền thống của dân tộc, vào sáng mùng một tại ngôi chùa Đại Giác nằm tại trung tâm TP. Đồng Hới cũng đón đông đảo bà con thập phương đến vãn cảnh chùa và dâng hương cầu mong bình an vào ngày mùng một Tết.
Người dân du xuân tại Quảng trường Hồ Chí Minh |
Người dân cầu bình an tại chùa Đại Giác- TP. Đồng Hới |
Người dân vãn cảnh chùa Hoằng Phúc sáng mùng một Tết |
Người dân háo hức đón xuân mới Ất Tỵ |
… và chụp hình lưu niệm tại Quảng trường Hồ Chí Minh |
Tại huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình nơi có ngôi chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lâu đời với hơn 700 năm tuổi, sáng mùng một Tết, hàng trăm lượt du khách đã ghé chùa vãn cảnh, cầu bình an và may mắn.
Ngôi chùa Hoằng Phúc còn có tên gọi là chùa Trạm hoặc chùa Kính Thiên. Theo nhiều nhà sử học, chùa Hoằng Phúc có xuất phát từ am thờ Phật ở thôn Tri Kiến, huyện Tri Kiến gọi là am Tri Kiến. Vào năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến am Tri Kiến ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo. Điều này có nghĩa là am Tri Kiến được xây dựng trước thời điểm năm 1301. Chùa Hoằng Phúc đã có chiều dài lịch sử trên 715 năm. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà sử học cũng khẳng định vùng đất Quảng Bình đã được sáp nhập vào quốc gia Đại Việt sớm hơn 237 năm so với vùng Thuận Quảng, theo đó các ngôi cổ tự của người Việt ở vùng đất Quảng Bình dĩ nhiên cũng có trước.
Chính vì vậy, có thể nói chùa Hoằng Phúc là ngôi chùa cổ lâu đời nhất tại miền Trung. Chùa Hoằng Phúc là di sản của một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt được cộng đồng dân cư mang theo trong quá trình Nam tiến thời Lý-Trần, góp phần giữ gìn bản sắc Đại Việt khi đến vùng đất mới để an cư, lạc nghiệp.
https://congthuong.vn/quang-binh-nguoi-dan-no-nuc-du-xuan-ngay-dau-nam-moi-371662.html