(QBĐT) – Không chỉ là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, huyện Quảng Ninh còn là nơi giao thoa của ba con sông: Nhật Lệ, Long Đại, Kiến Giang. Đây chính là điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển Du lịch đường sông.
Trong chuyến công tác cùng lãnh đạo huyện Quảng Ninh khảo sát tuyến du lịch đường sông đoạn từ sông Nhật Lệ-Long Đại lên thác Tam Lu (xã Trường Sơn), chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị, ấn tượng bởi cảnh quan, vẻ đẹp hùng vĩ của những cánh rừng nguyên sinh và nét văn hóa độc đáo của cộng đồng ven sông.
Khởi hành từ sông Nhật Lệ, con thuyền rẽ sóng đưa chúng tôi đến với di tích lịch sử bến phà Quán Hàu, thăm Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trường Sơn-bến phà Long Đại, chùa Non-núi Thần Đinh và điểm cuối là thác Tam Lu… Dòng sông Long Đại bốn mùa trong xanh màu ngọc bích, hai bên bờ được tô điểm bởi những cánh rừng xanh ngát xen lẫn vầng mây trắng xóa, tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình đẹp mơ màng, bình dị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân cho hay, Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch đường sông. Sông Nhật Lệ, Long Đại, Kiến Giang đi qua địa phận huyện có chiều dài gần 60km.
Các tour du lịch có thể kết hợp tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái, trải nghiệm lễ hội đua thuyền truyền thống hay tham gia vào các hoạt động nông nghiệp tại các làng ven sông.
Từ bến phà Quán Hàu, “tọa độ lửa” anh hùng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước đến ngã ba Trần Xá, theo dòng Long Đại, du khách có thể thăm di tích lịch sử bến phà Long Đại trên đường Hồ Chí Minh, chiêm ngưỡng các bản làng trù phú của đồng bào Bru-Vân Kiều hay vãn cảnh núi Thần Đinh, trải nghiệm ở thác Tam Lu, khe Nước Lạnh…
Trên sông Kiến Giang, du khách có thể thăm thú các rừng bần xanh ngát ở Tân Ninh, Duy Ninh, tham quan phá Hạc Hải, thưởng thức các món ẩm thực của vùng sông nước Kiến Giang, tham gia nghề nuôi trồng thủy sản trên sông…
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh Đỗ Ngọc Sơn chia sẻ, từ những tiềm năng, lợi thế vốn có, huyện đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát, đánh giá và xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch đường sông. Ngoài thăm thú, vãn cảnh trên sông, huyện cũng định hướng phát triển dịch vụ ẩm thực, nghỉ dưỡng cao cấp tại các cồn nổi trên sông Nhật Lệ đoạn qua thị trấn Quán Hàu, xã Võ Ninh, Hàm Ninh…
Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 đang triển khai nhiều hạng mục gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Quảng Ninh, đặc biệt là du lịch đường sông. Nhiều hạng mục được đầu tư, như: Bến thuyền và trung tâm du lịch đường thủy bến phà Quán Hàu, nhà lưu niệm và bến thuyền tại bến phà Long Đại, bến thuyền và khu vực nhà chờ tại núi Thần Đinh, đường lên núi Thần Đinh và đường xuống giếng Tiên…
Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật tuyến du lịch đường sông kết nối TP. Đồng Hới với một số trung tâm du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh.
Du lịch đường sông là xu hướng phát triển, ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Với lợi thế nhiều sông suối, Quảng Ninh hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng về du lịch đường sông trong hành trình khám phá và trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Từ các tuyến, điểm du lịch trọng điểm đã quy hoạch, huyện Quảng Ninh chủ động phối hợp với dự án tiểu vùng sông Mê Kông và Sở Du lịch khảo sát sản phẩm du lịch đôi bờ sông Long Đại, thác Tam Lu…; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế đến đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho hay, phát triển du lịch đường sông là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chiến lược phát triển du lịch huyện Quảng Ninh. Hai nhiệm kỳ qua, huyện đều ban hành chương trình hành động phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đại hội tới đây cũng tiếp tục đưa vào chương trình hành động của đại hội.
Để khai mở tiềm năng du lịch đường sông, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể khảo sát, đánh giá mức độ, khả năng để khai thác, phát triển du lịch của từng ngành, địa phương; phối hợp với các cơ quan báo chí giới thiệu, quảng bá tiềm năng lợi thế về du lịch. Hàng năm, huyện quan tâm tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, thông qua đó để quảng bá, làm nổi bật lên các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, huyện quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng vào các vùng có khả năng phát triển du lịch; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; hỗ trợ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tạo điều kiện tối đa, quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư khai thác tuyến du lịch đường sông.
Trong giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh tập trung xây dựng, hoàn thiện, giới thiệu, quảng bá và tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch sinh thái, mạo hiểm, như: Khám phá sông Long Đại, thác Tam Lu, khe Nước Lạnh, khe Cạc, Chà Rào, phá Hạc Hải, cồn Soi, cồn Trăng, núi Thần Đinh…
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Phạm Trung Đông, phát triển du lịch đường sông sẽ là một hướng đi góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch huyện, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa của du khách. Và để có thể phát triển du lịch đường sông một cách bài bản, đúng hướng, hiệu quả và bền vững, cần phải có sự nghiên cứu thấu đáo và lộ trình chuẩn bị, đầu tư chặt chẽ, hợp lý.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách phát triển du lịch đường sông; nâng cấp hệ thống giao thông đường thủy, bến bãi, cầu cảng, phương tiện vận chuyển; tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch đường sông của huyện, tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch, để mời gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đường sông. Ngoài ra, cần có sự liên kết giữa các địa phương trong định hướng phát triển sản phẩm đường sông, hình thành các tour, tuyến du lịch liên kết.
Nội dung: Lan Chi
Thiết kế & Đồ họa: Xuân Hoàng
https://www.baoquangbinh.vn/Multimedia/emagazine/202501/khai-thac-tiem-nang-du-lich-duong-song-2224031/