Khẩu hiệu hành động này cũng chính là chủ đề của diễn đàn xúc tiến, phát triển sản phẩm Du lịch tỉnh Quảng Trị được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp tổ chức vào cuối tháng 12/2024 nhằm tăng cường kết nối, hợp tác xây dựng tour, tuyến và phát triển hiệu quả hơn nữa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2025.
Tại diễn đàn, các nội dung trọng tâm được tập trung thảo luận là thực trạng phát triển du lịch địa phương thời gian qua, giải pháp để tăng cường kết nối, hợp tác xây dựng các tour, tuyến liên vùng, liên tỉnh, giúp khai thác hiệu quả hơn các tuyến du lịch hiện hữu. Chia sẻ kinh nghiệm điều hành và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, hiệu quả, đặc biệt là những kinh nghiệm trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Từ đó thúc đẩy hành động, biến những sáng kiến thành những chương trình cụ thể, những kế hoạch thực tiễn giúp Quảng Trị trở thành một điểm đến hàng đầu trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá thực trạng phát triển du lịch Quảng Trị những năm qua, các đại biểu cho rằng, sản phẩm du lịch tiêu biểu nhất, có thế mạnh và được khai thác hiệu quả đối với thị trường nội địa là các dòng sản phẩm du lịch lịch sử – cách mạng, thăm lại chiến trường xưa, tri ân giáo dục truyền thống.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, những sản phẩm chỉ mới được tập trung khai thác “phần lõi” sản phẩm, các sản phẩm chưa được đầu tư xây dựng thành một trải nghiệm liên hoàn, thiếu ý tưởng rõ ràng. Du lịch tìm hiểu văn hóa – lịch sử cũng có vị trí hết sức quan trọng đối với Quảng Trị nhưng mức độ đầu tư còn hết sức hạn chế.
Tương tự, du lịch biên mậu là sản phẩm du lịch quan trọng và có lợi thế khi Quảng Trị là cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông -Tây qua hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, tuy nhiên, khó khăn về cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, dịch vụ bổ trợ trên tuyến khiến việc khai thác loại hình du lịch này cũng còn nhiều hạn chế.
Công tác thu hút đầu tư vào du lịch sinh thái biển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa hình thành được các sản phẩm du lịch quy mô, chất lượng. Du lịch sinh thái còn rất nhiều tiềm năng để phát triển với hệ sinh thái núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, các tiểu vùng khí hậu Đông, Tây Trường Sơn xen kẽ, các khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn Bắc Hướng Hóa, Đakrông, các khu rừng nguyên sinh được bảo tồn như Rú Lịnh, Rú Đưng, Mũi Trèo, trằm Trà Lộc…
Với tâm huyết “hiến kế” để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm tạo ra những loại hình du lịch có điểm nhấn ấn tượng, nhiều ý kiến tại hội thảo rất đáng được quan tâm. Đó là đề xuất phát triển loại hình du lịch cà phê- xu hướng đang phát triển mạnh trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia nổi tiếng với văn hóa cà phê như Ethiopia, Colombia và Việt Nam.
Quảng Trị có lợi thế sở hữu vùng Khe Sanh với thương hiệu cà phê Arabica nổi tiếng, hoàn toàn có tiềm năng để khai thác và phát triển loại hình du lịch này. Du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm như thăm nông trại cà phê, trực tiếp hái cà phê, tìm hiểu về quy trình chế biến từ hạt cà phê tươi đến sản phẩm cuối cùng và thưởng thức những tách cà phê đậm đà hương vị đặc trưng.
Du lịch “chữa lành” tinh thần qua câu chuyện quá khứ cũng là ý tưởng hay, đây là loại hình du lịch khám phá các địa danh gắn với sự kiện đau thương trong lịch sử, mang giá trị giáo dục và tưởng niệm. Quảng Trị là điểm đến phù hợp với nhiều di tích lịch sử như hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, Di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Việc tổ chức các tour tham quan kết hợp thuyết minh lịch sử và hoạt động tưởng niệm sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về những bài học lịch sử, giá trị hòa bình và tinh thần dân tộc.
Đối với việc phát triển du lịch, yếu tố then chốt chính là xác định phát triển loại hình và sản phẩm du lịch phù hợp, phát huy tối đa thế mạnh vốn có của địa phương. Định hướng các loại hình và sản phẩm du lịch được xây dựng trên cơ sở đặc điểm tài nguyên du lịch và nhu cầu thị trường khách du lịch. Tỉnh Quảng Trị định hướng phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2030 theo hai hướng: theo lãnh thổ du lịch và theo thị trường khách du lịch.
Để hành động một cách hiệu quả nhằm hiện thực hóa các điểm nhấn du lịch trong thời gian tới, từ nay đến năm 2030, ngành du lịch cần tổ chức và xây dựng các loại hình du lịch trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm tài nguyên du lịch khu vực để phát triển các loại hình du lịch mang tính điển hình, đồng thời đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch.
Xác định du lịch lịch sử – cách mạng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa với cả vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường khách quốc tế và nội địa để tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại hình sản phẩm du lịch thăm chiến trường xưa, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc và du lịch thương mại – công vụ.
Tập trung khai thác chiều sâu các giá trị văn hóa, lịch sử của hệ thống di tích lịch sử – cách mạng, nghiên cứu triển khai các chương trình du dịch tái hiện trải nghiệm, du lịch đêm tại di tích Địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị để thu hút nguồn khách đến, tăng thời gian lưu trú làm tăng doanh thu xã hội. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả xây dựng Lễ hội Vì Hòa bình trở thành một sản phẩm đặc trưng nhằm đưa Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, qua đó góp phần kích cầu phát triển du lịch.
Khẩn trương hoàn thành các đề án phát triển du lịch sinh thái trong các khu bảo tồn thiên nhiên, hình thành các tour, tuyến tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên (Đakrông và Bắc Hướng Hóa), các hoạt động thể thao mạo hiểm gắn với sông suối, thác nước, hang động, đi bộ băng rừng (hệ sinh thái cảnh quan đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, thác Chênh Vênh, Ba Vòi, Tà Puồng, Động Brai, Pa Thiên, Voi Mẹp), tham quan các khu tự nhiên ven biển (Rú Lịnh, trằm Trà Lộc), du lịch đường sông, du lịch tham quan hồ, du lịch sinh thái – cộng đồng, tham quan suối nước nóng…
Tăng cường hơn nữa việc khai thác các sản phẩm du lịch biên mậu, thương mại và công vụ tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển thương mại, MICE, mua sắm, du lịch đường biên (du lịch quá cảnh), du lịch đường bộ Hành lang kinh tế Đông -Tây, caravan, “Một ngày ăn cơm ba nước”…
Đồng thời, kết nối mở các tour, tuyến du lịch qua Cửa khẩu quốc tế La Lay với tỉnh Salavan, Champasak (Lào) và Ubon Ratchathani, Nakhon Phanom, Mukdahan (Thái Lan) để tạo thành một trục hành lang du lịch song song với du lịch Hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối du lịch khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung Việt Nam với khu vực Trung, Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia… Đẩy mạnh các hoạt động trong khối liên kết phát triển du lịch 5 địa phương: Quảng Nam – Đà Nẵng – Huế – Quảng Trị – Quảng Bình.
Cùng với những định hướng quan trọng này, việc Quảng Trị ban hành Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Trị với khẩu hiệu: Du lịch Quảng Trị – Đất thiêng hội tụ vào ngày cuối của năm 2024 là căn cứ quan trọng nhằm định vị thương hiệu để du lịch Quảng Trị gia tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế điểm đến trên bản đồ du lịch quốc gia, quốc tế trong thời gian tới.
Thanh Trúc
https://baoquangtri.vn/phat-trien-du-lich-tinh-quang-tri-ket-noi-hop-tac-va-hanh-dong-191153.htm