Năm 2024, từ nguồn chính sách nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình thực hiện mô hình chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là mô hình chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đầu tiên trên địa bàn Quảng Bình. Trên diện tích hơn 2 hecta, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng đã đưa vào trồng cỏ VA06, đầu tư chuồng trại nuôi 1.700 con gà ri lai, 28 con bò cái lai, nuôi giun quế, đào ao thả cá nước ngọt…
Tham gia mô hình, hộ gia đình anh Hoàng được Trung tâm KN-KN tỉnh Quảng Bình hỗ trợ 50% kinh phí mua giống gà, cá và giun quế; 50% lượng thức ăn bổ sung hàng ngày cho bò, cá và gà giai đoạn từ 1 đến 21 ngày tuổi; 42% lượng thức ăn bổ sung hàng ngày cho gà giai đoạn 22 ngày tuổi đến xuất chuồng. Đồng thời được cán bộ Trung tâm hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho từng loại cây trồng, vật nuôi theo chu trình khép kín, đảm bảo năng suất và hiệu quả. Dự kiến trong 2 tháng tới, mô hình chăn nuôi tuần hoàn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng sẽ bắt đầu cho thu nhập từ gà và cá. Tỉ lệ bò có chửa đã đạt trên 85% tổng đàn. Theo tính toán, thu nhập trong năm của mô hình này trừ mọi chi phí ước đạt trên 380 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Liên, cán bộ kỹ thuật Trung tâm KN-KN tỉnh Quảng Bình cho biết: Khác với những mô hình trước đây, chăn nuôi tuần hoàn ứng dụng đồng thời các biện pháp kỹ thuật để tổ chức sản xuất theo một chu trình tạo lập các vòng lặp khép kín. Cụ thể ở mô hình này, cỏ VA06 được trồng và thu hoạch để làm thức ăn cho bò và cá trắm cỏ, phân bò được ủ hoai mục, một phần sử dụng làm chất nền, thức ăn nuôi giun quế; giun quế thu được sử dụng làm thức ăn bổ sung cho gà và cá; phần phân bò còn lại cùng với phân gà (đã ủ hoai mục) và phân giun quế sử dụng bón cho cỏ VA06. Quá trình sản xuất như vậy, các chất thải được xử lý và sử dụng triệt để, hạn chế phát tán ra môi trường, nâng cao được hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
Chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn thực chất là kết hợp một lúc các mô hình vườn-ao-chuồng-rừng trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng quy trình sản xuất theo chu trình tạo lập các vòng lặp khép kín. Các chất thải từ chăn nuôi được quay trở lại thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào cũng như lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm; từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế; giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp trên địa bàn Quảng Bình. Cụ thể, năng lực tái chế, tái sử dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp còn hạn chế bởi Quảng Bình đang thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ nên việc thu gom, phân loại phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế chưa được quan tâm nhiều. Các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu mới chỉ quan tâm tới tận thu, tái sử dụng lại phụ phẩm chính trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, hiện chưa có hành lang pháp lý, thiếu hướng dẫn và tiêu chuẩn hóa cho triển khai kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, các mô hình được áp dụng chưa đầy đủ, đúng nghĩa; chưa đưa ra được các quy định, tiêu chí để nhận diện, đánh giá, cũng như chưa có cơ quan đầu mối về vấn đề này, trong khi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực nên khó thực hiện trong thực tiễn.
Hiện nay, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng chưa được chuẩn hóa nên rất khó khăn trong triển khai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Để khắc phục những bất cập nêu trên, các cơ quan liên quan cần có chính sách hỗ trợ về cơ chế, tài chính, tiếp cận các nguồn lực để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp. Khuyến khích các mô hình trồng trọt-chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi kinh tế tuần hoàn, các mô hình liên kết hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, hiệu quả và lợi ích mà các mô hình mang lại.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là một hướng đi mới, phù hợp với sự phát triển của xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, để mô hình kinh tế tuần hoàn được lan tỏa đến người dân, thiết nghĩ cần bổ sung tiêu chí phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vào bộ tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
https://cand.com.vn/doanh-nghiep/chan-nuoi-tuan-hoan-huong-di-moi-cua-chan-nuoi-hien-dai-o-quang-binh-i753539/