Những con số biết nói…
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, năm 2024 ngành du lịch dự ước đạt khoảng 5,2 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 15,3% so với năm 2023 và đạt 104% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách nội địa ước đạt 5.053.900 lượt khách, tăng 15,1% so với năm 2023; khách quốc tế ước đạt 146.100 lượt khách, tăng 23,8% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng 5.980 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2023.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, để có được những con số ấn tượng đó, ngành Du lịch Quảng Bình đã nổ lực thực hiện nhiều phương án xúc tiến du lịch ở những thị trường tiềm năng trong nước và quốc tế. Mặc khác, du lịch Quảng Bình được báo chí, truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn, đáng trải nghiệm hàng đầu tại Việt Nam. Hiện nay, những hình ảnh, sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Bình được các tập đoàn Meta, Google lựa chọn làm tiêu điểm là để giới thiệu du lịch Việt Nam, ứng dụng công nghệ mới và sự hợp tác với Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan do vậy địa phương đã đưa ra những giải pháp nhằm phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có của mình.
Với quan điểm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch” do đó cần phải tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành về phát triển du lịch, triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của phát triển du lịch.
Phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tập trung phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ-Phối hợp nhịp nhàng-Hợp tác sâu rộng-Bao trùm toàn diện-Hiệu quả bền vững”…
Chủ động để phát triển…
Ông Nguyễn Ngọc Quý cho hay, muốn phát triển du lịch cần sự “vận động” của toàn xã hội từ việc huy động các nguồn lực, triển khai công tác đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ và từng bước hiện đại. Đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng du lịch, bổ sung danh mục các dự án trọng điểm, dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng giải trí trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm đáp ứng các tiêu chí được công nhận là khu du lịch quốc gia…
Tập trung phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch, trước hết là triển khai các đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí… làm cơ sở quy hoạch, thu hút đầu tư thực hiện các dự án, sản phẩm du lịch. Huy động sự tham gia các doanh nghiệp, tổ chức khảo sát, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh liên kết giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để hình thành động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường-nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo.
Việc phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch cần xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích thị trường khách du lịch để nắm bắt xu hướng thị trường để đáp ứng kịp thời nhu cầu và thị hiếu mới của khách du lịch nội địa với các phân vùng cụ thể thị trường từ đó tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch để đón khách du lịch quốc tế, tập trung vào thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn
Quảng Bình cũng cần đổi mới phương thức, đa dạng hóa nội dung trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng các kế hoạch quảng bá, xúc tiến và thu hút khách du lịch hàng năm để truyền thông, phối hợp triển khai đồng bộ các sự kiện, lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch bằng những hình thức mới mẻ, độc đáo, đa dạng phù hợp với từng thị trường khách du lịch. Triển khai các hoạt động quảng bá trên các nền tảng số, các hoạt động liên kết quảng bá với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các chương trình xúc tiến đầu tư, các hoạt động quảng bá du lịch liên quan đến các sự kiện lớn, famtrip, presstrip, các chương trình quảng bá trên các kênh thông tin, truyền hình quốc tế.
Cuối cùng chính là việc nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh khi ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch Xây dựng và triển khai vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch Quảng Bình, kết nối chia sẻ với hệ thống chung của Cục Du lịch Quốc gia và các đơn vị liên quan như Công an tỉnh, Cục Thống kế, cơ quan Thuế…
https://toquoc.vn/quang-binh-nhieu-phuong-an-thuc-day-phat-trien-du-lich-20241215153638532.htm