Hội nghị sáng 10-12 là sự kiện toàn cầu đầu tiên của UN Tourism về du lịch nông thôn, thu hút hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia.
Du lịch đang tạo ra nhiều làng quê đáng sống ở Việt Nam
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, mấy năm gần đây Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; góp phần đa dạng cho ngành du lịch trong nước.
Ngược lại, du lịch nông thôn cũng là nhân tố thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập người dân.
“Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy du lịch đã đưa nhiều vùng nông thôn vốn hạn chế về điều kiện phát triển trở thành “vùng quê đáng sống”.
Du lịch nông thôn còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị” – ông Phong nói.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, với lợi thế về tài nguyên du lịch và hai Di sản văn hóa thế giới (Hội An, Mỹ Sơn), từ lâu Quảng Nam đã định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững.
Hiện tỉnh này có 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được thống kê. Trong đó nhiều điểm hoạt động rất hiệu quả như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu…
Hiện trên 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, ngày 14-11 vừa qua, Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc công nhận làng rau Trà Quế là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024.
Đưa nông dân vào chủ thể du lịch nông thôn
Chia sẻ trong chương trình hội nghị, đại diện ngành du lịch các quốc gia, các làng du lịch tốt nhất thế giới và các chuyên gia tập trung phân tích vai trò to lớn của du lịch trong việc thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.
Câu chuyện của làng Tân Hóa (Quảng Bình), làng Penglipuran (Indonesia), làng Azheke (Trung Quốc) được chính người trong cuộc chia sẻ đã gây ngạc nhiên.
Ông I Wayan Budiarta, trưởng làng Penglipuran – làng du lịch tốt nhất thế giới của Indonesia năm 2023 – nói rằng ở Indonesia có tới 18.000 làng rải rác ở các hòn đảo.
Làm sao để phát triển du lịch, đưa khách về tham quan để bà con có thu nhập ngoài làm nông là một câu hỏi khó.
Chìa khóa, theo ông I Wayan Budiarta, là sự hợp tác của cộng đồng. Ở Penglipuran, mỗi đứa trẻ đi học đều được giáo dục về truyền thống văn hóa. Mỗi công dân đủ 18 tuổi trở lên được tham gia vào các tổ chức của riêng làng.
Khi lập gia đình, mỗi người lại có một tổ chức khác phù hợp với khả năng riêng của mình như ai giỏi đan lát thì làm đan lát, ai thêu giỏi thì cũng đứng trong nhóm riêng…
Và điều đặc biệt, mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên ý kiến cộng đồng, trưởng làng là người thay mặt tập thể để công nhận.
Nhờ đó, từ một ngôi làng nghèo nàn, tới nay Penglipuran mỗi ngày thu hút tới 2.000 khách du lịch, là nơi dân có thu nhập cao nhất ở vùng Bali.
Câu chuyện gần gũi từ làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) được chia sẻ từ chủ tịch xã cũng gây hứng thú cho quan khách.
Từ một nơi dân chạy trốn lũ lụt, với cách làm du lịch dựa vào những gì sẵn có, biến cái bất lợi thành cái đặc trưng riêng có mà tới nay dân Tân Hóa đã sống khỏe nhờ du lịch.
Mỗi năm Tân Hóa tạo ra doanh thu 10 tỉ đồng, một con số mà chưa người dân nào ở đây nghĩ tới.
Cam kết thúc đẩy du lịch nông thôn
Theo bà Zoritsa Urosevic, phó tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới UN Tourism, cộng đồng các quốc gia trong UN Tourism cam kết ưu tiên phát triển nông thôn, coi đây là nền tảng cho phát triển bền vững toàn cầu.
“Chương trình du lịch phát triển nông thôn và sáng kiến làng du lịch tốt nhất là minh chứng cho cam kết này.
Chúng ta thảo luận, đưa ra định hướng phát triển du lịch nông thôn và cùng lan tỏa các giá trị, tiềm năng du lịch để góp phần thay đổi cuộc sống; trao quyền cho cộng đồng nông thôn và thúc đẩy công bằng kinh tế, xã hội” – bà Zoritsa nói.
https://tuoitre.vn/cac-truong-lang-du-lich-tot-nhat-the-gioi-ve-quang-nam-chia-se-cach-lam-du-lich-hai-ra-tien-20241210142917964.htm